Định mức xây dựng tại Việt Nam cập nhật mới nhất 2023

2023-09-08 10:34:50
T
Định mức xây dựng tại Việt Nam cập nhật mới nhất 2023

Định mức xây dựng là gì? Năm 2023, Việt Nam quy định về định mức xây dựng như thế nào? Cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến định mức xây dựng mới nhất trong bài viết sau.

1. Định Mức Xây Dựng Là Gì?

Định mức xây dựng hay còn được biết đến bằng thuật ngữ tiếng Anh là “Construction Norm”. Khái niệm này chỉ các quy định chung do cơ quan thẩm quyền cấp quốc gia ban hành nhằm xác định mức độ hao phí cần thiết để hoàn thành một hạng mục cụ thể nào đó trong xây dựng. Mức độ hao phí này bao gồm các yếu tố như vật liệu, máy móc và nhân công.
 Định mức xây dựng cho phép nhà đầu tư biết được hao phí tối thiểu của công trình
Định mức xây dựng cho phép nhà đầu tư biết được hao phí tối thiểu của công trình
Định mức xây dựng ở Việt Nam hiện nay đã được xây dựng thành một hệ thống cụ thể, gồm nhiều trị số khác nhau. Chúng chủ yếu được trình bày theo đơn vị đo thực tế và sẽ giữ nguyên trong các trường hợp cụ thể, tuy nhiên, riêng đơn giá có thể linh hoạt thay đổi theo diễn biến chung của thị trường.
Hiện nay, định mức xây dựng được lập lên để đáp ứng các cơ sở sau:
  • Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành.
  • Các quy phạm kỹ thuật chung về chuyên môn thiết kế, thi công sẽ được nghiệm thu.
  • Mức cơ giới hóa trung bình trong lĩnh vực xây dựng.
  • Biện pháp thi công cụ thể và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng.

2. Các Quy Định Về Lập Và Quản Lý Định Mức Xây Dựng Tại Việt Nam

Trước năm 2021, Việt Nam chủ yếu áp dụng căn cứ xác lập định mức xây dựng từ Luật Xây dựng năm 2020, Thông tư số 10/2019/TT-BXD ban hành ngày 26/12/2019 và Thông tư số 16/2019/TT-BXD ban hành ngày 26/12/2019. Tuy nhiên kể từ sau năm 2021, định mức xây dựng đã có những thay đổi đáng kể:

Thông Tư 12/2021/TT-BXD Về Định Mức Xây Dựng

Vào ngày 9/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về việc quản lý chi phí dùng trong đầu tư xây dựng. Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BXD về định mức xây dựng, để hướng dẫn chi tiết việc lập định mức dùng trong xây dựng đã được đề cập trong Nghị định nói trên của Chính phủ. Thông tư số 12/2021/TT-BXD đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và thay thế hoàn toàn cho Thông tư số 10/2019/TT-BXD trước đó.
Như vậy, căn cứ xác lập định mức dùng trong xây dựng tại nước ta tính đến năm 2023 vẫn là Thông tư số 12/2021/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành. Tất cả các nhà đầu tư, nhà thầu đều sử dụng định mức xây dựng mới nhất 2021.
 Toàn văn Thông tư số 12/2021/TT-BXD
Toàn văn Thông tư số 12/2021/TT-BXD

Đối Tượng Áp Dụng Định Mức Xây Dựng Mới

Các đối tượng cần áp dụng định mức mới được ban hành năm 2021 của Bộ Xây dựng bao gồm các tổ chức cũng như cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xác định và quản lý chi phí của các dự án đầu tư xây dựng. Các cá nhân hoặc tổ chức này đồng thời thuộc diện đang chịu trách nhiệm thi hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ban hành ngày 9/2/2021 của Chính phủ.

Các Yêu Cầu Của Một Bản Định Mức Xây Dựng Đạt Chuẩn

Ngoài yếu tố quan trọng là đơn giá xây dựng thì các yêu cầu của một bản định mức xây dựng đạt chuẩn cũng quan trọng không kém. Các bản định mức dùng trong xây dựng yêu cầu độ chính xác rất lớn vì một sai sót nhỏ trên giấy tờ cũng có thể dẫn đến sai sót lớn trong việc thi công và nghiệm thu công trình trên thực tế. Vì lý do này mà định mức dùng trong xây dựng cần đáp ứng được các yêu cầu như sau:
– Có sử dụng các luận cứ khoa học liên quan đến kỹ thuật, tài chính nhằm chứng minh tính đúng đắn của giá dự thầu, dự trù kinh phí thi công.
– Định mức đưa ra cần đáp ứng được đến giai đoạn công trình đã tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tế của việc thiết kế cũng như thi công.
– Trong định mức có nêu rõ và sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng. Lưu ý, các kinh nghiệm xây dựng tiên tiến cũng được tính vào trường hợp này.
– Kết cấu chung của công trình phải đồng bộ theo các quy chuẩn chung, áp dụng được ở điều kiện khách quan bình thường, phù hợp với cơ giới tính đến thời điểm lập định mức.

3. Định Mức Xây Dựng Dùng Để Làm Gì?

  • Là cơ sở để các nhà đầu tư lập lên các dự toán lớn bao gồm: tổng đầu tư, dự toán thi công xây dựng. Đồng thời, định mức này cũng giúp nhà đầu tư có phương án quản lý chi phí đầu tư hợp lý hơn, dễ dàng huy động vốn.
  • Hỗ trợ Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền nâng cao hiệu quả trong quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng nhà ở, công trình khác.
  • Là căn cứ để các nhà đầu tư chọn được nhà thầu tối ưu nhất với công trình của mình.
  • Là căn cứ để các Ngân hàng thương mại tiến hành cấp vốn khi nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn phục vụ kế hoạch thi công.
  • Là cơ sở để so sánh các phương án thiết kế xây dựng, thi công công trình để từ đó chọn ra phương án tối ưu.

4. Phân Loại Định Mức Xây Dựng

Tại Việt Nam, định mức xây dựng hiện được chia thành 2 loại:

Định Mức Kinh Tế – Kỹ Thuật

Định mức kinh tế – kỹ thuật là loại định mức xây dựng đầu tiên mà chúng ta cần quan tâm. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư quản lý các loại chi phí cần thanh toán trong một quá trình đầu tư xây dựng nhất định. Thông thường loại định mức này sẽ được áp dụng tại các khâu như lập dự toán, sản xuất và thi công.
 Định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng nhiều trong khâu lập dự toán công trình
Định mức kinh tế – kỹ thuật được áp dụng nhiều trong khâu lập dự toán công trình
Định mức kinh tế – kỹ thuật chia thành 3 nhóm nhỏ:
  • Định mức cơ sở. Đây là định mức quy định khoảng hao tổn khi sử dụng vật liệu, lao động và thiết bị thi công trong quá trình xây dựng.
  • Định mức dự toán xây dựng. Đây vẫn là định mức quy định khoảng hao tổn khi sử dụng vật liệu, lao động và thiết bị thi công trong quá trình xây dựng nhưng đặt trong các điều kiện khách quan của gói thầu.
  • Định mức vật tư. Đây là định mức quy định sự hao phí của từng loại vật liệu riêng biệt trong quá trình thi công.

Định Mức Chi Phí

Định mức chi phí còn được biết đến như định mức tỷ lệ. Định mức này được xác định là cơ sở thành lập đơn giá trong xây dựng. Nhiều chi phí phục vụ trong quá trình đầu tư xây dựng như chi phí tư vấn đầu tư, chi phí quản lý dự án, chi phí chung, chi phí phát sinh theo đầu việc, các chi phí khác,… đều được xác lập dựa vào định mức chi phí.
Định mức chi phí còn được gọi là định mức tỷ lệ
Định mức chi phí còn được gọi là định mức tỷ lệ
Định mức chi phí chia làm 2 loại:
  • Định mức biểu hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm (%).
  • Định mức biểu hiện dưới dạng giá trị.

5. Định Mức Dự Toán Xây Dựng Công Trình Cần Lưu Ý Gì?

Như Phungocphat.com đã đề cập ở trên, định mức dự toán bao gồm mức hao tổn vật liệu, nhân công và máy móc cho một khối lượng công việc xây dựng tổng hợp. Hiện nay định mức dự toán có thể được trình bày dưới dạng trị số tuyệt đối hoặc trị số tương đối mô phỏng theo phần trăm (%).

Các Loại Định Mức Dự Toán Theo Thông Tư Số 12/2021/TT-BXD

Theo Thông tư mới nhất được ban hành bởi Bộ Xây dựng, các loại định mức dự toán được áp dụng bao gồm:
  • Định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình.
  • Định mức dự toán xây dựng công trình.
  • Định mức dự toán lắp đặt hệ thống kỹ thuật của công trình.
  • Định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ.
  • Định mức dự toán thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
  • Định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng.
  • Định mức sử dụng vật liệu xây dựng.
  • Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư.

Định Mức Dự Toán Xây Dựng Công Trình Xét Đến Các Hao Phí Nào?

Dự toán xây dựng công trình có 3 loại hao phí chính:

Định Mức Hao Phí Vật Liệu

Để tính ra hao phí vật liệu cho một đơn vị khối lượng công tác xây dựng, người ta thường xác định số lượng nguyên vật liệu chính, phụ cần thiết. Ngoài ra cũng cần xác định cấu kiện, bộ phận riêng lẻ, vật liệu luân chuyển chưa được tính trong chi phí chung.
 Hao phí vật liệu được xác định bằng số vật liệu chính, phụ cần thiết
Hao phí vật liệu được xác định bằng số vật liệu chính, phụ cần thiết
Các lưu ý cụ thể liên quan đến loại định mức này bao gồm:
  • Hao phí đối với vật liệu phụ được tính theo % chi phí mua vật liệu chính.
  • Hao phí đối với vật liệu chính được tính theo đơn vị tính cụ thể của mỗi loại vật liệu.
  • Định mức hao phí cát bao gồm cả tỷ lệ bị hao hụt do đặc tính riêng của cát có độ dôi đặc trưng.
  • Định mức hao phí vật liệu cần bao gồm tỷ lệ hao hụt chung sau quá trình thi công.

Định Mức Hao Phí Lao Động

Hao phí lao động xác định thông qua số ngày công mà các công nhân thi công trực tiếp và các công nhân phục vụ cần dùng để hoàn thành một khối lượng công việc nhất định trong công tác xây dựng. Lưu ý, số ngày được xác định tại định mức bao gồm số ngày cần thiết để thực hiện từ khâu chuẩn bị cho đến ngày kết thúc việc thi công.
Số ngày công được đề cập trong trường hợp này xác định dựa trên cấp bậc trung bình của cả công nhân thi công trực tiếp và công nhân chỉ tham gia công tác phục vụ công trình.

Định Mức Hao Phí Máy Móc Thi Công

Hao phí máy móc thi công cũng được xác định dựa theo số ca làm việc của cả máy trực tiếp thi công cũng như máy phục vụ cho công trình. Tuy nhiên hao phí máy phục vụ ở đây chỉ được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) chi phí của máy thi công trực tiếp.

6. Hệ Thống Giá Xây Dựng Công Trình Gồm Những Loại Nào?

Hệ thống giá xây dựng công trình tại Việt Nam đang được chia theo các tiêu chí sau:

Xét Theo Quy Trình Đầu Tư Công Trình

– Đơn giá khảo sát: đơn giá khảo sát là cơ sở để đưa ra dự trù vốn đầu tư xây dựng cũng như xác định các dự toán chi phí công tác khảo sát xây dựng. Đơn giá này được dùng trong công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng.
– Đơn giá xây dựng: đơn giá xây dựng sẽ lập dự toán dùng trong một khối lượng công việc thực hiện theo mặt bằng giá chung. Loại đơn giá này dùng khi ước lượng tổng mức đầu tư và dự toán đầu tư xây dựng công trình.
 Hệ thống giá xây dựng công trình gồm đơn giá khảo sát và đơn giá xây dựng
Hệ thống giá xây dựng công trình gồm đơn giá khảo sát và đơn giá xây dựng

Xét Theo Mức Độ Chi Tiết

– Đơn giá chi tiết: đơn giá này được dùng trong trường hợp cần xác định hao phí cho một công tác xây dựng riêng hoặc hoặc một bộ phận kết cấu sau khi đã có định mức dự toán chi tiết. Đây là cơ sở xác định giá nhận thầu của các nhà đầu tư.
– Đơn giá tổng hợp: đơn giá này sẽ xác định hao phí cho khối lượng công việc xây lắp tổng hợp, hoàn chỉnh trên cơ sở đã có định mức dự toán tổng hợp. Một đơn giá tổng hợp đầy đủ sẽ bao gồm cả chi phí chung, chi phí trực tiếp, thu nhập có thuế và thuế giá trị gia tăng (VAT).